Có lẽ không phải bạn nào cũng biết tầm ảnh hưởng của các hoạt động ngoại khóa lên hồ sơ du học của mình, đặc biệt là khi các bạn đi du học tại một đất nước coi trọng sự phát triển hài hòa như Canada. Vậy những hoạt động ngoại khóa thực sự quan […]
Chuyển tới tiêu đề chính trong bài
Có lẽ không phải bạn nào cũng biết tầm ảnh hưởng của các hoạt động ngoại khóa lên hồ sơ du học của mình, đặc biệt là khi các bạn đi du học tại một đất nước coi trọng sự phát triển hài hòa như Canada. Vậy những hoạt động ngoại khóa thực sự quan trọng như thế nào? Làm thế nào để bạn có thể làm đẹp hồ sơ du học của mình bằng các hoạt động ngoại khóa? Hãy đọc trong bài viết sau đây nhé.
Bài viết tham khảo:
- Điều kiện du học Canada – Những cập nhật mới nhất
- Top 20 trường Đại học có chi phí thấp tại Canada có thể bạn chưa biết
1. Tại sao hoạt động ngoại khóa lại quan trọng đối với hồ sơ du học?
Có thể nhiều bạn chưa biết nhưng không phải lúc nào cứ thỏa mãn các điều kiện học vấn và khả năng Tiếng Anh đầu vào của trường là các bạn sẽ được nhận. Có thể đối với các trường top dưới, bạn sẽ dễ dàng nhận được LOA mà không cần thiết phải có các tài liệu bổ sung nào khác. Tuy nhiên nếu bạn nào đã ngắm vào học bổng đầu vào của các trường Đại học top đầu thì tốt nhất là bạn nên chuẩn bị một số giấy tờ và bằng chứng nhận của các hoạt động chính bạn đã tham gia.
1.1. Nhằm thể hiện cá tính và sự khác biệt của bản thân
Đặc điểm về tính cách của bạn, từ việc bạn năng động hay lười biếng, hướng nội hay hướng ngoại, có trách nhiệm hay vô ý thức,… đều thể hiện thông qua các hoạt động mà bạn đã đăng ký. Nếu bạn là một người có để ý tới môi trường xung quanh, bạn mới tham gia vào các hoạt động như làm sạch biển, nhặt rác quanh Hồ Gươm,… Nếu bạn là người sống có trách nhiệm với cộng đồng, bạn mới có thể đi về những vùng sâu vùng xa giúp đỡ cho những trẻ em nghèo vùng núi,…
Đồng thời, cái cách mà bạn đóng góp vào thành công hay thất bại của hoạt động cũng thể hiện được bạn có phải là người năng động hay không? Bạn có đóng vai trò lãnh đạo trong nhóm làm việc? Và bạn phản ứng ra sao với những thất bại trong quá khứ? Người đọc hồ sơ có thể cảm nhận được thực sự là con người như thế nào.
1.2. Chứng minh được đam mê và mục đích du học là có thật
Sẽ đặc biệt tốt nếu hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia mang tính nền tảng hoặc chí ít có liên quan đến ngành nghề mà bạn định theo học sau này. Tại sao ư? Các bạn biết nộp hồ sơ sang xin nhập học và xin học bổng tại trường là một chuyện. Nhưng sau khi xin được LOA, các bạn còn phải nộp hồ sơ lên xin visa trên Đại sứ quán.
Trong hồ sơ xin visa sẽ có một bức thư tường trình hay còn gọi là Letter of Explanation. Bức thư này mang ý nghĩa hết sức quan trọng vì thông qua nội dung bức thư, bạn sẽ phải giải thích kha khá vấn đề như lí do vì sao chọn ngành này, trường này, những mối ràng buộc và cam kết trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp,… Thường một số bạn bị fail visa do Letter of Explanation bị thiếu thuyết phục, ngành học lựa chọn không có logic, chuyển hướng bất ngờ mà thiếu lí do,…
Nếu các hoạt động ngoại khóa đã có liên quan đến ngành học và kế hoạch trong tương lai của bạn từ trước ắt hẳn sẽ mang tính thuyết phục và góp phần tích cực vào khả năng thành công của visa du học.
[Xem chi tiết: Cách viết Study Plan sao cho thật chuẩn]
1.3. Sự cân bằng trong vấn đề học tập và thực tế
Không chỉ biết có học và những con số, con chữ khô khan, các trường tại Canada, đặc biệt là các trường Đại học và Cao đẳng luôn coi trọng những sinh viên vừa học giỏi trên lớp vừa năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Môi trường giáo dục tại Canada khác với môi trường giáo dục tại Việt Nam. Nếu như tại Việt Nam, các thầy cô đa phần có sự quý mến các học sinh im lặng ngồi nghe cô và chép bài đầy đủ thì tại Canada, các giáo viên ở đây lại khuyến khích học trò tranh luận với thầy cô và tham gia các hoạt động ngoại khóa, cả trong và ngoài giờ học.
Vậy nếu hồ sơ của bạn thể hiện được khả năng và điều kiện phù hợp với môi trường giáo dục của trường nói riêng và của Canada nói chung, có lẽ trường sẽ rất vui mừng được nhận bạn vào học.
2. Các loại hoạt động ngoại khóa
Hiện nay, ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều các loại hình hoạt động ngoại khóa cho bạn lựa chọn. Có thể kể đến như:
2.1. Tham gia câu lạc bộ
Câu lạc bộ ở đây có thể nằm trong khuôn viên trường học hoặc nằm ngoài trường. Những cộng đồng sinh hoạt nhỏ cùng nhau tập luyện văn nghệ như nhảy, khiêu vũ, chơi guitar, acoustic,… sẽ mang lại sự năng động và mạnh bạo cho bạn trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn gắn bó với các câu lạc bộ này càng lâu hay chịu trách nhiệm càng lớn trong mô hình này thì có lẽ bạn sẽ càng được nhiều điểm cộng.
2.2. Các hoạt động tình nguyện
Nếu các bạn để ý kĩ thì mọi người sẽ nhận thấy rằng các hoạt động tình nguyện nằm ngay quanh ta chứ chẳng ở tận vùng sâu vùng xa. Từ các bạn sinh viên hỗ trợ các sĩ tử thi Đại học, những bạn học sinh đứng phân làn để tránh tắc đường giờ cao điểm,… đến các bạn trẻ nhặt rác làm sạch Hồ Gươm, tham gia tổ chức các sự kiện ủng hộ giờ Trái Đất,… Những sự kiện này mang tính cộng đồng và động chạm đến những vấn đề toàn cầu, rất cần thiết để làm giàu thêm kinh nghiệm của bản thân.
2.3. Hoạt động thể thao cộng đồng
Các hoạt động thể thao cộng đồng hiện nay cũng khá phổ biến, có thể kể đến như hoạt động Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức thường niên trong cộng đồng và trong nhà trường, việc chạy bộ nâng cao nhận thức, bảo vệ môi trường,… Mỗi hành động nhỏ thế này thôi nhưng cũng góp phần rất lớn cho cộng đồng nói chung và hồ sơ du học của bạn nói riêng.
2.4. Việc làm thêm
Có được việc làm thêm khi bạn còn đang đi học thể hiện bạn có một cái nhìn thực tế và có trách nhiệm với cuộc sống của mình và gia đình. Hiện nay theo pháp luật Việt Nam thì các bạn học sinh từ 15 tuổi trở lên cũng đã có thể đi làm thêm một cách hợp pháp, miễn là công việc phù hợp với khả năng của bản thân và sức khỏe của bản thân. Nếu bạn thích viết và báo chí, bạn có thể tham gia viết bài cho các tờ báo như Hoa học trò. Nếu bạn thích diễn xuất cũng có thể tham gia làm diễn viên quần chúng cho các bộ phim đăng tuyển. Có rất nhiều cách để bạn có thêm th nhập từ trước khi bạn chạm mốc 18 tuổi. Đơn giản là bạn có khả năng và muốn làm gì.
3. Cách đính kèm thành tích học tập vào hồ sơ
Đương nhiên là các bạn không nên đính kèm các loại giấy tờ này khi hồ sơ không yêu cầu. Thường các bạn chỉ cung cấp các giấy tờ dưới vai trò là tài liệu bổ sung khi xin học bổng bên trường hay trong hồ sơ xin visa du học. Đơn giản vì một số trường yêu cầu cũng khá đơn giản và không cần hồ sơ ngoài lề. Tuy nhiên nếu trường không tin vào những thông tin mà bạn cung cấp trong hồ sơ, có thể họ sẽ yêu cầu bạn gửi bằng chứng chứng minh.
Vậy làm thế nào để hồ sơ của bạn được coi là hợp lệ và được chấp nhận? Thường thì chỉ có một cách đó là các bạn sẽ phải đem hết các giấy tờ chứng nhận đem đi dịch và công chứng, sau đó gửi các giấy tờ này sang cho trường.
Ngoài ra còn một số các cách sáng tạo khác để chứng minh được hoạt động ngoại khóa mà bạn đã tham gia như thông qua ảnh, video, portfolio,… Hãy liên hệ trước với trường để biết trường có nhận “supplemental materials” hay không?
Chúc các bạn may mắn!