Như các bạn đã biết Study Plan (hay còn được gọi là Statement of Purpose) là bản kế hoạch học tập mà các bạn không chỉ phải nộp lên ngôi trường mà bạn muốn theo học mà còn là một trong những văn bản quan trọng quyết định việc bạn có xin được visa du […]
Chuyển tới tiêu đề chính trong bài
- 1. Dàn ý
- 1.1. Mở đầu
- 1.2. Trình bày ngành học và lí do tại sao bạn chọn ngành học này
- 1.3. Giải thích tại sao bạn phải sang học tại Canada chứ không học tại Việt Nam
- 1.4. Trình bày một số các thành tích mà bạn đã đạt được trong quá khứ
- 1.5. Kế hoạch dự định về cống hiến cho Việt Nam sau khi tốt nghiệp
- 1.6. Kết thư
- 2. Lưu ý
Như các bạn đã biết Study Plan (hay còn được gọi là Statement of Purpose) là bản kế hoạch học tập mà các bạn không chỉ phải nộp lên ngôi trường mà bạn muốn theo học mà còn là một trong những văn bản quan trọng quyết định việc bạn có xin được visa du học hay không. Nhưng làm thế nào để viết Study Plan chuẩn không cần chỉnh? Hãy thử làm theo hướng dẫn sau đây nhé.
1. Dàn ý
1.1. Mở đầu
Study Plan, cũng như những bức thư hay văn bản trang trọng khác, trước tiên bao giờ các bạn cũng nên có thưa gửi, tự giới thiệu sơ qua về bản thân mình cùng lí do các bạn viết bức thư này ngày hôm nay. Trong Study Plan, tùy đối tượng các bạn gửi đến là nhà trường hay trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin visa mà các bạn lại có cách thưa gửi khác nhau.
Các thông tin cá nhân cũng không cần quá chi tiết, các bạn chỉ cần giới thiệu qua về tên, tuổi, hiện tại bạn đang làm gì hay đã được nhận vào trường nào là đã quá đủ rồi.
1.2. Trình bày ngành học và lí do tại sao bạn chọn ngành học này
Vì bạn đi du học nên các bạn cần nhấn mạnh mục tiêu sang Canada lần này của bạn là để học tập là chính, mở rộng, nâng cao kiến thức là chủ yếu và để gia tăng cơ hội xây dựng sự nghiệp của bạn tại quê nhà. Tốt nhất các bạn không nên đụng chạm đến vấn đề định cư tại Canada (kể cả khi bạn có dự định thật sự) vì đây không phải là điều mà người nhận study plan muốn đọc.
Tiếp theo, hãy đề cập cụ thể vào ngành học và lí do lựa chọn của bản thân. Nhiều bạn nói rằng đam mê của các bạn ấy đến từ môi trường nuôi dưỡng và nghề nghiệp của bố mẹ. Một số bạn khác lại nói rằng lựa chọn của các bạn đến từ hoàn cảnh, cơ hội trong tương lai của đất nước hay từ chính sở thích cá nhân của các bạn. Mỗi người có một cách trình bày, không có một form mẫu rập khuôn nhưng để hiệu quả và thuyết phục thì các bạn phải đảm bảo được tính logic của bức thư.
Đúng vậy, dù trong trường hợp nào thì các bạn cũng cần đảm bảo được tính khoa học trong kế hoạch học tập. Những trường hợp dễ bị Đại sứ quán đặt câu hỏi sẽ là những hồ sơ học lùi (như học Đại học xong mà lại muốn sang Canada lấy Diploma) hay hồ sơ học trái ngành. Nếu không thể thay đổi được ngành học của mình, bạn nên giải trình sao cho bằng cấp trước đây của bạn có giá trị hỗ trợ, bổ sung hoặc nền tảng cho chương trình học sắp tới. Tránh để hai ngành học đối đầu hoặc không có liên quan.
Ngay cả trong trường hợp bạn có gap year (hay còn được gọi là năm trống), các bạn cũng nên giải trình được lí do tại sao lại tồn tại khoảng thời gian này. Trong năm bạn đã có những hoạt động gì có liên quan đến ngành bạn muốn theo học hay không. Đôi khi đơn giản giải thích rằng bạn dành thời gian này để ôn luyện và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ cũng là một lí do khá thích hợp có thể sử dụng được.
1.3. Giải thích tại sao bạn phải sang học tại Canada chứ không học tại Việt Nam
Đây là một câu hỏi khá quan trọng và để trả lời cho câu hỏi này bạn có thể dựa vào các yếu tố sau:
- Việt Nam không cung cấp chương trình học bạn đang tìm kiếm hay chất lượng đào tạo không tốt bằng
- Các điểm khác nhau giữa hệ thống giáo dục hai nước
- Điểm mạnh và khác biệt của Canada (trong giáo dục, văn hóa, môi trường làm việc,…)
- Điểm hay của thành phố và ngôi trường bạn chọn,…
1.4. Trình bày một số các thành tích mà bạn đã đạt được trong quá khứ
Trong phần này, các bạn có thể trình bày các thành tích học tập trong quá khứ, các hoạt động ngoại khóa mà các bạn từng tham gia, tất cả các hoạt động nghiên cứu mà các bạn từng tiến hành,… Tất cả các hoạt động này không bắt buộc phải liên quan trực tiếp đến ngành học mà bạn chọn nhưng nếu có liên quan thì đây sẽ là một điểm cộng cực lớn.
1.5. Kế hoạch dự định về cống hiến cho Việt Nam sau khi tốt nghiệp
Như mình đã nói, các nhân viên xét hồ sơ visa không muốn đọc về dự định định cư tại Canada của bạn. Họ sẽ mong muốn sau khi tốt nghiệp bạn sẽ quay về làm việc và cống hiến cho quê hương. Chính vì vậy mà khi viết Study Plan, hãy đảm bảo rằng bạn bao gồm các ý chính sau:
- Cơ hội nghề nghiệp mà bạn có được sau khi hoàn thành chương trình
- Triển vọng phát triển của ngành học này tại Việt Nam
- Kế hoạch nghiên cứu sau này,…
1.6. Kết thư
Các bạn nên tóm gọn lại nguyện vọng muốn được nhận vào trường hay xin được visa du học của bạn, thể hiện cam kết và khả năng phấn đầu vì nguyện vọng của bạn trong tương lai. Đồng thời không được quên cảm ơn phía người nhận cùng câu kết thư lịch sự. Đây là phép lịch sự tối thiểu nhưng cũng là cách để bạn gây thiện cảm với người nhận thư.
2. Lưu ý
- Độ dài của Study Plan không nên dài quá 800 từ, nếu có thể gói gọn xúc tích trong 1 mặt giấy thì càng tốt
- Nên sử dụng các phông chữ phổ biến như: Arial, Times New Roman hoặc Calibri với size chữ trong khoảng từ 11 đến 12
- Chú ý không để phạm phải các lỗi chính tả, ngữ pháp hay lỗi diễn đạt
- Nhớ phải bao gồm họ tên và ngày tháng phía cuối bức thư
Trên đây là những gợi ý tham khảo về cách viết Study Plan cho các bạn có dự định du học Canada. Các bạn hãy cố gắng đảm bảo đủ ý để hồ sơ của bạn được phê duyệt một cách suôn sẻ nhé.