Chính phủ Canada có quy định rõ các du học sinh quốc tế nằm trong độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) khi sang Canada du học đều phải có người giám hộ đi kèm. Vậy người giám hộ này là những ai? Nếu bố mẹ không thể đi kèm thì các bạn có […]
Chuyển tới tiêu đề chính trong bài
Chính phủ Canada có quy định rõ các du học sinh quốc tế nằm trong độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) khi sang Canada du học đều phải có người giám hộ đi kèm. Vậy người giám hộ này là những ai? Nếu bố mẹ không thể đi kèm thì các bạn có đi du học được không? Hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé!
1. Tại sao lại cần người giám hộ?
Không phải du học sinh nào khi sang du học tại Canada cũng cần người giám hộ và cũng không phải trường hợp nào dưới 18 tuổi cũng bắt buộc phải có. Tuy nhiên hầu hết các trường trung học tại Canada luôn yêu cầu học sinh quốc tế muốn nhập học tại trường phải có người giám sát, quản lý và chăm sóc cho những nhu cầu thiết yếu nhất.
Chỉ có một số lẻ các trường công là có kí túc xá. Phần còn lại không có cũng chỉ một số ít là hỗ trợ các bạn ở homestay. Hầu hết các bạn thường phải tự tìm, không thông qua trường thì cũng qua trung tâm hoặc các bên trung gian môi giới. Chính vì vậy nhà trường không thể nào giám sát được tất cả các du học sinh quốc tế qua đây ở và học tập.
Như các bạn cũng biết, học sinh trung học phổ thông là lứa tuổi đã lớn mà cũng chưa lớn. Tâm sinh lý đang vào độ tuổi phát triển và hoàn thiện nhưng các quyền lợi, trách nhiệm pháp lý còn chưa thể tự quyết và chưa đầy đủ. Chưa kể đến tâm tư tình cảm còn chưa ổn định, kĩ năng sống còn phải học hỏi nhiều. Vì vậy các bạn khó có thể ở một mình khi sang nơi đất khách quê người. Vai trò của người giám hộ lúc này là vô cùng cần thiết.
2. Những đối tượng nào cần người giám hộ?
Tùy theo từng tỉnh và vùng lãnh thổ, các quy định về độ tuổi trưởng thành lại có sự thay đổi. Tuy nhiên theo quy định hiện nay thì các bạn có thể nhìn vào bảng sau:
Tên tỉnh và vùng lãnh thổ |
Độ tuổi trưởng thành |
Alberta, Manitoba, Ontario, Prince Edward Island, Quebec, Saskatchewan | 18 |
British Columbia, New Brunswick, Newfoundland and Labrador, Northwest Territories, Nova Scotia, Nunavut, Yukon | 19 |
Vậy là đối với các bạn nằm dưới độ tuổi này, bạn nào cũng cần có người giám hộ hết. Quy định này sinh ra cũng là nhằm để đảm bảo cho các bạn có được điều kiện sinh sống và làm việc hiệu quả nhất. Những lúc ốm đau có người chăm nom. Những lúc đói bụng cũng không phải nhịn. Có căn nhà chui ra chui vào. Khi bị bắt nạt hay bất công có người nhờ cậy,… Còn nhiều ích lợi khác nhưng đây là những quyền lợi cơ bản mà người giám hộ cần phải đảm bảo được cho các bạn.
3. Những đối tượng nào có thể trở thành người giám hộ?
Nếu sang Canada cùng với bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp từ quê nhà, các bạn sẽ không cần phải tìm người giám hộ tại Canada nữa. Đơn giản vì lúc này bố mẹ các bạn đã đóng vai trò là người chăm sóc và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi hoạt động của bạn.
Tuy nhiên hầu hết không phải gia đình nào cũng có điều kiện, vừa cho con đi du học vừa có thể bay sang ở cùng. Vì vậy, hiện diện những người giám hộ không phải bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp từ Việt Nam, đó là người trông nom (Custodian).
Người trông nom được định nghĩa là những người trong độ tuổi trưởng thành trở lên, là công dân Canada hoặc thường trú dân Canada, chịu trách nhiệm chăm sóc và hỗ trợ cho du học sinh.
Các gia đình thường hay lựa chọn giữa kí túc xá và homestay. Nếu lựa chọn kí túc xá, các bạn học sinh được ở ngay gần trường và chịu sự quản lý do trường tổ chức, khá tiện và cũng đảm bảo. Tuy nhiên số lượng các trường có ký túc xá không nhiều, điều này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sự đa dạng trong lựa chọn của các bạn.
Lúc này, homestay trở thành một lựa chọn phù hợp và phổ biến hơn. Chính vì vậy, các hộ gia đình bản địa cũng có thể thay thế được vai trò của người giám hộ nếu có giấy tờ chứng minh đầy đủ.
4. Các giấy tờ thủ tục cần thiết
Vậy để chỉ định người trông nom, các bạn học sinh từ Việt Nam cần phải nộp những giấy tờ gì? Thủ tục Người trông nom tại Canada khá là đơn giản. Các bạn chỉ cần kèm theo giấy “Custodianship Declaration” form (IMM 5646E), bên trong có kèm thêm 2 trang giấy:
- Trang 01: Custodian for Minors Studying in Canada: được điền bởi đại diện người trông nom bên Canada và được công chứng tại Canada
- Trang 02: Parents/Guardians for Minors Studying in Canada: được điền bởi bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp cùng việc được ký và công chứng tại Việt Nam
Vì hai mẫu này được đính kèm vào hồ sơ xin Study Permit của các bạn nên các bạn cần chú ý điền và công chứng sao cho thật chính xác để tránh những nhầm lẫn sau này.
5. Lưu ý
Hầu hết mọi người thường nghĩ có nhà nhận homestay gần trường là tốt lắm rồi, có thể sang Canada du học thì ở nhà nào cũng được. Nhưng có lẽ đây là quan niệm sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh. Đơn giản vì khi các bạn còn chưa đủ 18 tuổi, các bạn sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ hộ bên Canada.
Hãy cứ tưởng tượng các bạn một thân một mình với khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ. Đến khẩu vị giờ cũng phải thay đổi, đi ra đi về có giờ giới nghiêm, giao lưu bạn bè nếu gặp nhà chủ kĩ tính có thể bị hạn chế, không trực tiếp thì cũng là gián tiếp.
Chính vì vậy đừng lựa chọn người trông nom một cách tùy tiện mà nên trực tiếp hoặc nhờ người kiểm chứng. Ngay từ khi đến ở, hãy trao đổi để hiểu rõ nguyện vọng, quy định của hai bên. Ở homestay thì không thể là người xa lạ hoàn toàn mà nên có bữa ăn chung hoặc thỉnh thoảng quan tâm, hỏi thăm lẫn nhau. Nếu có vấn đề phát sinh, hãy trực tiếp trao đổi với nhau để tìm cách giải quyết. Đến khi nào bất đồng không thể giải quyết được nữa, các bạn hãy nhờ đến bố mẹ và những đại diện tìm homestay cho bạn để nhờ trợ giúp và chuyển chỗ ở. Đây là những trường hợp hi hữu nhưng không phải là không có, vì vậy các bạn cũng nên có những kiến thức để chuẩn bị thì vẫn tốt hơn.
Chúc các bạn du học may mắn!