Khoảnh khắc nhận được thư từ chối visa du học Canada, hẳn nhiều bạn cảm thấy hụt hẫng, buồn bực, chán nản. Chờ đợi mỏi mòn mà kết quả lại thế này khiến các bạn hoài nghi: “Hay số mình không phải số được đi du học?”. Các bạn đừng nản chí. Hãy bắt đầu […]
Chuyển tới tiêu đề chính trong bài
Khoảnh khắc nhận được thư từ chối visa du học Canada, hẳn nhiều bạn cảm thấy hụt hẫng, buồn bực, chán nản. Chờ đợi mỏi mòn mà kết quả lại thế này khiến các bạn hoài nghi: “Hay số mình không phải số được đi du học?”. Các bạn đừng nản chí. Hãy bắt đầu rà soát lại bộ hồ sơ mà các bạn cho là ổn và tự hỏi tại sao bạn lại trượt visa du học Canada nhé.
1. Nguyên nhân
-
Hồ sơ không trung thực, không rõ ràng
Nếu các bạn tìm hiểu kĩ thì có lẽ sẽ rõ, việc làm giả hồ sơ giấy tờ không bao giờ kết thúc tốt đẹp cả. Kể cả khi thông tin của bạn là tài liệu gốc nhưng giữa các giấy tờ có sự thiếu thống nhất thì Nhân viên Visa cũng phải đặt dấu hỏi. Tốt nhất là các bạn nên chuẩn bị hồ sơ một cách trung thực vì chỉ cần một hoài nghi nhỏ cũng có thể đặt dấu chấm hết cho việc xét duyệt hồ sơ xin visa du học của bạn.
-
Study Plan thiếu thuyết phục
Nhiều bạn nghĩ rằng Kế hoạch Học tập chỉ cần nộp vào cho đủ hồ sơ chứ chẳng quan trọng gì. Nhưng thực ra nghĩ như vậy là bạn đã lầm. Study Plan nắm giữ một vai trò quan trọng trong hồ sơ xin visa. Chỉ cần mâu thuẫn trong lựa chọn ngành học, không giải trình được lí do chọn ngành, không chỉ ra được kế hoạch học xong sẽ làm gì, không nêu rõ ý định về nước của bản thân,… thì các bạn cũng sẽ bị fail ngay lập tức.
-
Nhân viên visa nghĩ bạn không có đủ khả năng tài chính
Khả năng tài chính không chỉ đơn giản là việc chứng minh rằng bạn có đủ tiền sinh hoạt phí và tiền đóng học hàng năm. Khả năng tài chính còn là việc cho thấy bạn và gia đình có một nguồn thu nhập ổn định, minh bạch, có thể hỗ trợ cho bạn trong những trường hợp khẩn cấp trong suốt quá trình bạn học tập tại Canada. Việc thu nhập thấp hơn so với mức quy định hoặc nguồn tài chính thiếu độ minh bạch, rõ ràng cũng là một trong những lí do chính khiến hồ sơ của bạn bị gửi trả lại.
-
Không nói rằng bạn sẽ về nước sau khi học
Xét cho cùng thì visa du học không phải là visa để định cư, nghĩa là sau khi học xong, thường các sinh viên quốc tế sẽ phải trở về quê hương chứ không được ở lại Canada. Việc mà bạn không nói rõ rằng sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ trở về Việt Nam theo đuổi sự nghiệp nào, cống hiến hay ràng buộc với những ai,… tưởng nhỏ mà cũng sẽ tạo ra nguy cơ khiến họ đánh trượt visa du học Canada của bạn.
Ngoài bốn lí do chính kể trên, còn có một số các nguyên nhân khác như sức khỏe không đạt chuẩn, lỗi chính tả, ngữ pháp, nhầm lẫn trong tài liệu, in ấn,… cũng là những con đường hi hữu nhưng nhanh chóng dẫn đến một từ “REJECTED”.
2. Giờ thì làm thế nào?
Tâm lý buồn chán, tức giận, oán trách bản thân vì đã chuẩn bị hồ sơ không đầy đủ là điều không thể tránh được. Tuy nhiên các bạn đừng vội mất hi vọng vì mọi người vẫn có thể apply lại nếu thấy lí do từ chối không thỏa đáng hoặc bản thân bạn và gia đình có thể cung cấp thêm giấy tờ, tài liệu, bằng chứng nhằm khắc phục được hạn chế đã gặp phải.
-
Khắc phục 01: Rà soát lại tất cả các giấy tờ có sai sót, chưa rõ ràng
Có thể cung cấp cho Đại sứ quán những giấy tờ đã có cập nhật, sửa chữa, các giấy tờ còn thiếu hoặc giấy tờ bổ sung nhằm phục vụ làm rõ thêm cho những tài liệu đã có.
-
Khắc phục 02: Lựa chọn chương trình học phù hợp, lộ trình rõ ràng
Một số trung tâm tư vấn sẽ viết hộ bạn hoàn toàn Study Plan nhưng một số trung tâm lại chỉ đọc soát và góp ý để bạn tự viết, tự sửa. Nhiều bạn sẽ nghĩ rằng, đã nhận tiền rồi mà họ không làm hết cho bạn, vẫn bắt bạn phải tự viết. Nhưng các bạn cũng nên cảm ơn những người tư vấn này vì Study Plan là một loại giấy tờ vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều đến sự thành bại của hồ sơ xin visa. Kế hoạch này chỉ nên nhờ tư vấn, góp ý chứ không nên để ai đó ngoài bạn viết hộ hoàn toàn.
Trong Study Plan cần có lí do lựa chọn ngành học rõ ràng, không để học lệch, học trái ngành, học lùi bậc,… Nếu không thì cũng phải có lời giải thích rõ ràng, hợp lý. Không thể đưa ra được câu trả lời thuyết phục cho lựa chọn của mình thì bạn cũng không nên gửi lại hồ sơ làm gì.
-
Khắc phục 03: Khẳng định RÕ RÀNG rằng bạn CHẮC CHẮN sẽ về nước sau tốt nghiệp
Các bạn đừng lo, ghi như vậy trong Study Plan hay lộ trình học tập của bạn không có nghĩa là bạn không thể xin ở lại làm việc hoặc định cư sau khi tốt nghiệp. Đơn giản trong hồ sơ bạn phải chứng minh được bạn đến Canada chỉ với mục đích HỌC và HỌC mà thôi. Ở Việt Nam đang còn có ai đang đợi bạn, về nước bạn sẽ theo đuổi sự nghiệp nào, tiềm năng của công việc đó tại Việt Nam tốt ra sao… Việc làm này sẽ làm Nhân viên visa cảm thấy an tâm hơn phần nào khi cho bạn sang du học.
-
Khắc phục 04: Chứng minh tài chính tốt hơn
Số tiền mà bạn cần nêu ra trong chứng minh tài chính không phải là số tiền mà bạn phải bỏ ra ngay lập tức để đi du học. Chính vì vậy mà số tiền hiện hữu trên các tài liệu phải lớn hơn rất nhiều số tiền bỏ ra để sinh hoạt và đóng học hàng năm. Chính vì vậy, nhiều bạn sẽ khá bất ngờ khi bản thân bị đánh trượt vì khả năng tài chính.
Hãy nhớ rằng, mục đích cuối cùng của chứng minh tài chính là để đảm bảo rằng bạn có đủ khả năng lo cho bản thân và theo đuổi lộ trình học tập của mình trong những năm sống tại Canada, kể cả trong những trường hợp khẩn cấp. Nếu lần trước còn thiếu giấy tờ thuế của bố mẹ hay doanh nghiệp gia đình, hãy bổ sung tài liệu thuế. Nếu còn giấy tờ bất động sản nào mà lần trước bạn chưa cung cấp, hay đem ra bổ sung. Làm tương tự với các giấy tờ tài chính, ngân hàng (có thời hạn từ 6 tháng trở lên), sổ tiết kiệm, bảng lương, các nguồn thu có giấy tờ chứng minh khác,…
*Đặc biệt: Sau khi gửi lại hồ sơ xin visa, các bạn cũng cần sửa lại Personal Statement, nói lại lí do mà bạn đã bị từ chối lần trước và giải pháp khắc phục của bạn lần gửi này.
- Phải chấp nhận việc hồ sơ gửi lại của bạn sẽ bị xem và soi xét kĩ hơn do Đại sứ quán sẽ bị ảnh hưởng bởi lần trượt trước của bạn.
- Chuẩn bị tinh thần phỏng vấn khi có thông báo từ Đại sứ quán. Thường những hồ sơ phải xin visa lại sẽ được gọi đến để phỏng vấn trên Đại sứ quán nhằm làm rõ lí do bị từ chối lần trước, cách khắc phục lần này và xác nhận lại một số các thông tin mâu thuẫn. Các bạn nên chuẩn bị các câu trả lời khoa học đầy đủ với phong thái tự tin, nghiêm túc (nên sử dụng Tiếng Anh) để gây ấn tượng tốt với Nhân viên visa.
Đừng vì bị trượt visa du học Canada một lần mà nản chí nhé các bạn. Nếu bạn có quyết tâm, mình tin là các bạn sẽ thực hiện được ước mơ du học của mình. Good luck!