Trong quá trình kiếm việc tại Canada, chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của một thứ gọi là “hidden job market” tại Canada. Thật vậy, có rất nhiều các công việc không hề được đăng tuyển công khai trên Job Bank mà ở dạng ẩn và “lưu truyền” trong nội bộ các […]
Chuyển tới tiêu đề chính trong bài
Trong quá trình kiếm việc tại Canada, chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của một thứ gọi là “hidden job market” tại Canada. Thật vậy, có rất nhiều các công việc không hề được đăng tuyển công khai trên Job Bank mà ở dạng ẩn và “lưu truyền” trong nội bộ các công ty. Để phát hiện ra các vị trí trống này thì bạn thực sự cần đến, không chỉ năng lực, không chỉ sự tự tin mà còn một chút may mắn đến từ thứ gọi là networking.
Networking thực chất là quá trình bạn làm quen và gây dựng các mối quan hệ bền vững, giữ liên lạc với những cá nhân có khả năng đem lại lợi ích hoặc giúp đỡ bạn về lâu về dài trong cuộc sống, công việc. Vậy để xây dựng được network, bạn nên bắt đầu từ đâu? Mình có sưu tầm được một số cách thức, hi vọng có thể giúp được các bạn.
Bài viết tham khảo:
1. Khai thác tối đa Career Center của trường
Career Center có thể hiểu nôm na là các trung tâm hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho sinh viên trong trường. Hầu hết trường tại Canada đều có các trung tâm hỗ trợ này. Trong nhiều trường hợp, tổng số phí đã đóng đầu năm đã bao gồm chi phí để các bạn sử dụng các trung tâm này. Nói cách khác, các dịch vụ thường thì sẽ FREE.
Tuy nhiên không phải bạn sinh viên nào cũng đến nhờ tới sự trợ giúp từ Career Center. Một phần có thể là do các bạn không biết, một phần có thể là do các bạn còn ngại. Tuy nhiên không sử dụng dịch vụ này thì quả là một thiệt thòi lớn cho các bạn và chính bạn chứ chẳng ai khác. Các bạn biết tại sao không?
Career Center thường trợ giúp sinh viên làm các việc sau: sửa Cover Letter, sửa resume, cho phỏng vấn thử (mock interview). Ngoài ra các trung tâm hỗ trợ việc làm còn có thể tổ chức workshop liên quan đến kỹ năng tìm việc, và tổ chức networking event với các nhà tuyển dụng hoặc alumni của trường. Nếu biết khai thác có hiệu quả, Career Center có thể giúp các bạn mở rộng mối quan hệ và gia tăng cơ hội tìm job.
Và đương nhiên là các trường đại học thì sẽ có mạng lưới cựu sinh viên (alumni) rộng hơn và dễ mời được các công ty lớn đến Hội chợ Việc làm (recruitment fair) của trường. Bạn hãy luôn chuẩn bị tâm thế để luôn chủ động và tự tin trước mắt các nhà tuyển dụng nhé.
2. Tạo profile LinkedIn
Đây là một trong các kênh chính để các bạn mở rộng network của mình. Các bạn đừng nghĩ LinkedIn chỉ được dùng để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng và để xin việc. Trang web này cũng rất hữu ích để tìm bạn bè cùng ngành và các cựu sinh viên cùng trường đó. Thường sau các sự kiện kể trên, sinh viên nên chủ động tìm và add contact người mà mình đã gặp để kết bạn.
Một số lưu ý khi dùng LinkedIn:
- Profile picture nên là professional headshot. Không nên up ảnh tự sướng hoặc ảnh không nghiêm túc
- Cập nhật LinkedIn theo các chủ đề có liên quan đến ngành mình quan tâm.
- Khi apply một công việc bất kì, các bạn nên chủ động tìm người đang làm ở công ty đó thông qua LinkedIn. Điều này thể hiện sinh viên quan tâm đến công việc/công ty đó, cũng như có ý định hiểu rõ hơn về vị trí mà mình đang hoặc định ứng tuyển.
- Các job post trên LinkedIn thường sẽ có profile người post ở phần miêu tả. Connect với profile đó là điều nên làm.
- Cập nhật đầy đủ và nghiêm túc profile ở tất cả các mục
- Có thể sử dụng Linked Premium để profile của bạn được nổi bật hơn
- Check một số gợi ý trên LinkedIn để tìm thấy những người mà bạn đã biết hoặc từng tiếp xúc. Tuy nhiên cũng đừng gửi lời mời một cách ồ ạt mà nên có chọn lọc, tránh spam để lại ấn tượng xấu.
- Cung cấp LinkedIn URL ở những nơi mà mọi người dễ tìm thấy như trên profile facebook hoặc trên card cá nhân.
- Tham gia một số group liên quan đến ngành bạn quan tâm hoặc của trường,…
3. Tham gia sự kiện
Như mình đã nói, các hội chợ việc làm, các workshop rèn luyện kĩ năng, kể cả những chuyến đi dã ngoại hay các hoạt động tình nguyện được tổ chức rất nhiều. Tham gia vào các hoạt động này không chỉ giúp gia tăng kĩ năng… mà còn giúp bạn quen thêm được những người có chung sở thích, đam mê và có kinh nghiệm trong ngành.
Khi tham gia các sự kiện như work fair, bạn nên chuẩn bị một cách đầy đủ, tươm tất resume để luôn ở trong thế chủ động trước mắt nhà tuyển dụng và những người mà bạn muốn quen. Tùy theo tính chất trang trọng của từng sự kiện mà bạn lựa chọn trang phục. Không nên đứng giữa một sự kiện mà ai cũng vận sơ mi quần âu trong khi bạn lại diện áo phông quần bò. Hãy tập từ cung cách bắt tay, đưa hồ sơ, đưa danh thiếp, chào hỏi, cách cười nói và giới thiệu bản thân. Ấn tượng đầu tiên có sức ảnh hưởng lâu dài lắm đó.
4. Tham gia vào group trên facebook (hay mạng xã hội nói chung)
Có thể các bạn chưa biết nhưng tham gia vào các group trên facebook cũng là một cách giúp bạn tìm việc. Hiện nay có rất nhiều group do các bạn sinh viên hoặc người Việt đã đi làm, định cư bên Canada đã lập ra các group nhằm liên kết với du học sinh cùng trường, nhằm tìm kiếm việc làm một cách hợp pháp và thuận lợi nhất. Các bạn hãy chịu khó tìm kiếm và gia nhập nhóm để có thêm những người bạn có cùng mối quan tâm với mình nhé.
5. Tình nguyện
Công việc tình nguyện lúc nào cũng được coi trọng. Chưa bao giờ thế giới này hết người nghèo khó, bệnh tật, khổ đau, chưa bao giờ nỗ lực là đủ để khắc phục môi trường và các vấn đề tệ nạn hay nhận thức,… Chính vì vậy, không chỉ có ích cho người khác, các công việc tình nguyện còn giúp bạn có thể sống mà cảm thấy mình có ích hơn, quen được nhiều người tốt hơn và có được một cái nhìn thực tế về cuộc sống xung quanh mình.
Về mặt năng lực, các bạn tình nguyện viên cũng có thêm kinh nghiệm, rèn luyện kĩ năng mà còn giúp cho resume của bạn trông đẹp và đầy đủ hơn. Không biết các bạn đã biết chưa, nhưng ở Canada kiếm học bổng là khá khó, tuy nhiên các trường tại đây lại rất coi trọng sinh viên vừa học giỏi vừa tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Đi làm tình nguyện sẽ giúp nhiều khi bạn có ý định muốn săn học bổng lắm đó.
6. Câu lạc bộ, hội nhóm có liên quan
Trong các môi trường Đại học Cao đẳng, thường có đến hàng chục, hàng trăm các câu lạc bộ khác nhau thuộc mọi chủ đề, sở thích khác nhau. Có những câu lạc bộ về văn hóa, có những câu lạc bộ lại về kĩ năng, có những cộng đồng người lập ra chỉ vì một sở thích,… Thường thì khi có cùng nhau một điểm chung nào đó, các cá nhân thường dễ kết nối với nhau hơn. Các bạn hãy tận dụng thế mạnh này để mở rộng các mối quan hệ. Kể cả khi không phục vụ cho mục đích công việc thì đây cũng có thể là những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời của bạn đó.
7. Vượt ra ngoài vùng an toàn của mình
Có nhiều bạn mà mình biết, tuy đã đi du học Canada nhưng vẫn sống trong một môi trường “thuần Việt”, ở nhà người Việt, chơi với bạn người Việt, ngày ngày vẫn lên net xem phim vietsub. Kể cả khi có bạn quốc tịch khác, các bạn vẫn quanh quẩn với những người bạn Châu Á. Nói lên đây không phải để phê phán các bạn hay coi thường người Á nhưng đơn giản chỉ muốn phản ánh hiện thực đó là nhiều bạn vẫn có cách để chui vào chiếc vỏ ốc ấm cúng của mình dù đã đi ra nước ngoài. Các bạn cần phải biết rằng, có mở lòng thì mới có nhiều tới, có mạo hiểm thì mới có được những mối quan hệ khác lạ, có ích. Đi du học không chỉ để trải nghiệm, vui chơi mà còn để học và đích tới xa hơn là để làm. Đừng để bản thân ngày hôm nay ù lì mà khiến cái tôi của ngày mai phải chật vật, hối hận.
Đúng là có những nghề nghiệp sẽ giúp bạn dễ xin được Work Permit và ở lại Canada nhưng yếu tố duy nhất không nằm ở một mình loại ngành nghề bạn chọn mà còn ở việc bạn có thể gắn bó và phấn đấu vì công việc đó hay không. Có những yếu tố giúp bạn kiếm được việc nên đừng để phụ thuộc vào những bài báo khuyên bạn phải chọn nghề nọ nghề kia.