GAP Year – Nên hay không?
Gap year là năm “off” sau khi tốt nghiệp Phổ thông hoặc đại học. Thay vì tiếp tục ngay với chương trình đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông, hoặc xin việc làm ngay khi hoàn thành chương trình đại học, bạn có thể dùng năm “nghỉ ngơi” này cho những việc khác như đi du lịch, đi tình nguyện, giao lưu văn hóa, kiếm việc làm… Khái niệm Gap year đã quá quen thuộc với sinh viên phương Tây, với Việt Nam hiện nay cũng đang dần trở thành một xu thế mới mẻ.
Tuy nhiên, thực tế là không phải bạn nào cũng phù hợp với việc chọn Gap Year thay cho việc học thẳng. Việc chọn năm Gap Year này có những mặt lợi và hại như thế nào ? Và làm sao để tận dụng được Gap Year một cách hiệu quả ? không phải bạn nào cũng hiểu rõ.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích những được và mất của Gap Year để các bạn so sánh và cân nhắc xem có phù hợp với mình hay không nhé !
ƯU ĐIỂM :
- Là cơ hội để bạn “nghỉ ngơi giữa hiệp” sau chuỗi thời gian học tập vất vả, thoát khỏi những hoạt động lặp đi lặp lại bình thường. Bạn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện, các dự án mới mẻ, thử thách bản thân với môi trường làm việc hoặc du lịch đến các nước khác… hoặc đắm mình vào sở thích mà trước đây chưa có thời gian dành cho nó.
- Là cơ hội để bạn bồi đắp kỹ năng và trải nghiệm của bản thân. Đồng thời cho bạn thời gian để suy ngẫm và tập trung vào những gì bạn muốn làm tiếp theo.
- Một năm Gap Year có ý nghĩa và hiệu quả sẽ là điểm sáng trong CV của bạn khi nộp hồ sơ vào trường hoặc đi làm sau này. Nhiều nhà tuyển dụng hay bộ phận tuyển sinh của các trường đánh giá cao những kinh nghiệm mà sinh viên có được khi họ có thể chủ động quản lý thời gian, đặt mục tiêu cho bản thân và tự kỉ luật.
- Nếu bạn dự định học đại học sau Gap Year, bạn có thể chủ động lựa chọn các trải nghiệm hay hoạt động có liên quan với lĩnh vực mà bạn dự định học sau này. Ví dụ : nếu bạn dự định theo đuổi ngành giáo dục mầm non thì 1 năm làm tình nguyện tại trường mẫu giáo sẽ cho bạn những trải nghiệm thiết thực và là điểm nổi bật trong hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ du học.
- Các nhà tư vấn giáo dục cũng chia sẻ rằng hầu hết các bạn có Gap year sẽ mất một khoảng thời gian ngắn để điều chỉnh bản thân khi quay lại với việc học ở trường. Tuy nhiên phần lớn sẽ học tốt, tập trung và có trách nhiệm với việc học của mình hơn.
- Bạn có thể kiếm tiền và tiết kiệm để đầu tư cho việc học của bản thân sau Gap year.
- Với nhiều bạn, quãng thời gian này cũng là giai đoạn giúp các bạn trả lời được câu hỏi : bản thân muốn gì ? Công việc mà mình muốn theo đuổi là gì ? mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai ?
KHUYẾT ĐIỂM :
- Đối với một số bạn, Gap Year sẽ làm các bạn sao nhãng khỏi kế hoạch dài hạn. Một khi các bạn đã có định hướng rõ ràng cho tương lai : sau khi tốt nghiệp sẽ học gì, làm gì? Mục tiêu từng giai đoạn của bản thân là gì ? Thì cân nhắc thêm về Gap Year có thể sẽ là thừa thãi.
- Gap year nếu không được lên kế hoạch rõ ràng từ trước thì sẽ không mang lại nhiều giá trị cho tương lai. Khiến bạn hao phí mất 1 năm vô ích so với bạn bè cùng lứa.
- Có thể sẽ khó khăn đối với một số bạn khi quay trở lại với việc học sau quãng thời gian dài “nghỉ ngơi”.
- Nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng, Gap Year sẽ trở nên tốn kém và bạn có thể sẽ phải loay hoay với các vấn đề về tài chính sau năm này.
- Một lần nữa, nếu không có kế hoạch cụ thể trước khi Gap year bắt đầu, bạn có thể sẽ phải xà quần hết cả năm chỉ với việc nghĩ xem mình nên làm gì trong năm này.
CÁCH TẬN DỤNG GAP YEAR MỘT CÁCH HIỆU QUẢ :
Cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định chọn Gap Year :
- Tại sao bạn muốn chọn Gap Year ? Việc thiết lập mục tiêu là vô cùng quan trọng, giúp bạn có thể tận dụng thời gian này một cách hiệu quả. Bạn có thể muốn :
- Nghỉ ngơi sau thời gian học hành căng thẳng
- Bồi dắp trải nghiệm và kỹ năng.
- Kiếm tiền
- Dành thời gian để tìm hiểu xem bản thân muốn làm gì
- Bổ sung kinh nghiệm cho hồ sơ du học.
- …..
- Kết hợp những điều trên
- Bạn muốn làm gì trong thời gian Gap Year ? → Hãy suy nghĩ thật cẩn thận và lên kế hoạch rõ ràng.
- Làm thế nào để chi trả cho giai đoạn này ? → Đặc biệt, nếu bạn lựa chọn đi du lịch, hãy làm rõ những gì mình muốn đạt được và chi phí cho nó.
- Đừng bao giờ quên nhắc nhở bản thân về việc : Bạn muốn làm gì sau thời gian Gap Year này ? Việc này sẽ giúp bạn quay trở lại với việc học / công việc một cách dễ dàng hơn.
Lên kế hoạch cho Gap Year :
Bất kể bạn dự định làm gì trong giai đoạn Gap Year, thì việc tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch trước cho nó đều vô cùng quan trọng. Rất nhiều dự án tình nguyện quốc tế có deadline rất sát sao, bạn cần xem xét trước để chuẩn bị thời gian nộp hồ sơ, xin visa cũng như chuẩn bị chi phí.
Có rất nhiều hoạt động trong thời gian Gap Year mà bạn có thể cân nhắc. Một số có thể kéo dài cả năm, trong khi một số khác thì chỉ 2-3 tháng. Hãy xem xét cẩn thận về lộ trình và cố gắng kết hợp chúng với nhau nếu nó ngắn hạn. Không nên để tình trạng nghỉ 1 năm, hoạt động tình nguyện 3 tháng, xong mới nghĩ tiếp 9 tháng còn lại này mình nên làm gì.
Dự trù kinh phí và lên kế hoạch tài chính. Đa phần các hoạt động trong năm này đều sẽ ít nhiều tốn kém chi phí ban đầu. Bạn cần list rõ bạn cần bao nhiều tiền và mình có thể kiếm được số tiền này từ đâu ? Tiết kiệm dần, tìm việc làm thêm trong 1 năm trước đó, xin hỗ trợ từ gia đình, hoặc lựa chọn vừa thực hiện chuyến đi vừa làm thêm như chương trình Working Holiday của Úc hay Newzealand đều là những lựa chọn không tồi.
Tóm lại, không phải ai cũng phù hợp cho việc chọn thời gian Gap Year và khi bạn đã chọn thì việc lên kế hoạch cho quãng thời gian này cần được thực hiện từ rất sớm. Nếu biết cách tận dụng, Gap Year sẽ là đòn bẩy đưa bạn tiến nhanh về phía trước!