MOTIVATION LETTER (SOP) – CÁCH VIẾT THÀNH CÔNG CHO HỒ SƠ DU HỌC BẬC MASTER
Khi chuẩn bị hồ sơ du học, đặc biệt là bậc học thạc sỹ, hầu hết các trường ở các quốc gia đều sẽ yêu cầu bạn viết Motivation Letter (Thư bày tỏ nguyện vọng) hay còn gọi là Statement of Purpose (SOP). Lá thư này đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định bạn có được nhận vào trường hay không, đặc biệt là đối với những trường có thứ hạng cao. Đối với các trường có học bổng tự động, thì Motivation Letter (SOP) lại góp phần không nhỏ quyết định mức học bổng mà bạn sẽ nhận được.
Vậy Motivation Letter (SOP) là gì ? Làm thế nào để viết được Motivation Letter (SOP) một các hiệu quả và ấn tượng ? Mình sẽ hướng dẫn rõ trong bài viết dưới đây, các bạn tham khảo nhé !
SO SÁNH SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MOTIVATION LETTER, STATEMENT OF PURPOSE, COVER LETTER & PERSONAL STATEMENT
21 CÔNG VIỆC SẼ THỊNH HÀNH TRONG 10 NĂM TỚI
DU HỌC NƯỚC NÀO KHÔNG CẦN CHỨNG MINH TÀI CHÍNH ?
A. Motivation letter (SOP) là gì ?
Đúng như tên gọi, Motivation Letter (SOP) là lá thư dùng để trình bày động lực cá nhân, những trải nghiệm thúc đẩy bạn đến quyết định theo đuổi ngành học X tại trường Y, và lý do tại sao bạn nên được nhận vào trường hay đạt được học bổng đó.
Việc viết Motivation Letter (SOP) này, không chỉ là vấn đề hình thức. Thực tế, bộ phận tuyển sinh của các trường đại học rất coi trọng lá thư này, vì nó thể hiện được ý định học tập nghiệm túc và tính cam kết của sinh viên đối với việc theo đuổi chương trình học. Nó cũng phản ánh được tính cách, mục tiêu và tham vọng của bạn. Thậm chí, cách bạn viết lá thư này sẽ quyết định bạn được chấp nhận hay từ chối vào trường. Vì vậy, hãy dành thời gian viết ra nó một cách có tâm nhé.
B. Trình tự viết Motivation letter (SOP) hiệu quả ?
Bước 1 : Tham khảo 1 số bài viết mẫu
Lợi ích của việc này là giúp các bạn định hình rõ thế nào là một bài luận tiêu chuẩn về nội dung, độ dài, và ngôn ngữ. Tất nhiên mỗi bài viết đều mang dấu ấn cá nhân riêng. Và mỗi người lại có cách tiếp cận khác nhau để trình bày về con người, ước mơ và kế hoạch của họ. Ngay cả việc bài luận đó dùng để apply cho ngành học nào cũng khiến cho cấu trúc và cách viết khác nhau. Mình đọc không phải để sao chép hay cắt ghét thành bài của mình, mà để rút kinh nghiệm và tự xây dựng được nội dung và bố cục cho bài viết của mình hiệu quả nhất.
Bước 2 : Trả lời các câu hỏi sau, gạch đầu dòng xuống tất cả những ý mà bạn nghĩ bạn muốn đưa vào bài SOP của mình
Ngành học:
- Tại sao bạn chọn ngành học này ? : Tại sao bạn muốn học kinh tế chứ không phải tài chính? Tại sao bạn muốn học khoa học máy tính chứ không phải một ngành khoa học cơ bản nào khác? Tại sao bạn muốn theo đuổi tâm lý học?
- Điều gì khiến cho bạn đam mê khi bạn học về những thứ đó? :
- Bạn thấy chúng có ích, cho bạn và cho xã hội?
- Bạn muốn có kiến thức để làm những điều mà hiện nay bạn chưa thể?
- Bạn muốn trở thành một hình mẫu mà bạn vẫn mơ tưởng từ thuở bé?
- Bạn muốn có một công ty của riêng mình?
- Hay bạn có một lý do sâu xa nào khắc đằng sau việc lựa chọn?
Để trả lời những câu hỏi này, hãy quay ngược về những trải nghiệm của bạn thời gian qua và liên kết các hoạt động với nhau để có được câu trả lời phù hợp nhất. Ví dụ :
- Việc chúng mình đến từ một nước đang phát triển và còn nhiều vấn đề kinh tế – xã hội phải giải quyết, bạn có từng suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ mình với những điều đó?
- Hay nếu bạn đã từng có cơ hội đi du lịch nhiều nơi, gặp nhiều người, có câu chuyện nào đã từng “đánh thức” ước mơ và động lực trong bạn?
- Bạn có từng tham gia các hoạt động ngoại khóa/ xã hội và nhận ra điều mình muốn làm?
- Đơn giản hơn nữa là các yếu tố về gia đình – cách bố mẹ nuôi dạy bạn, hay môi trường giáo dục – những thầy cô đã truyền cảm hứng cho bạn, có điều gì đã trực tiếp hoặc gián tiếp khiến bạn trở thành con người như ngày hôm nay và theo đuổi ngành học này không?
Bước 3 : Đọc lại và chắt lấy những ý đắt nhất
Vì độ dài của SOP có giới hạn nên bạn không thể đưa toàn bộ thông tin của cuộc đời mình vào. Hãy chọn lấy những ý nổi bật và có liên quan đến chương trình học mình muốn apply nhất thôi nhé.
Bước 4 : Sắp xếp lại bố cục bài viết sao cho logic và “đắp thịt” cho các ý chính.
Sau khi đã có dàn ý ở phần trên, bước tiếp theo là dùng ngôn từ để diễn giải các gạch đầu dòng đó, liên kết chúng với nhau để truyền tải một thông điệp nhất quán và rõ ràng về con người bạn.
Có nhiều cách để lên bố cục cho bài viết. Bạn có thể viết 1 cách đơn giản theo trình tự thời gian. Hoặc dẫn dắt bài viết bằng cách kể lại một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời bạn : sự kiện đó có thể xảy ra thời thơ ấu. Hoặc đơn giản như bạn đọc được một cuốn sách tâm đắc, gặp một người cho bạn lời khuyên. Hay khi bạn tham gia một chương trình tình nguyện và học được nhiều thứ, hoặc một biến cố trong gia đình/ công việc. Từ sự kiện đó, bạn mô tả cách nó ảnh hưởng đến bạn, và khiến bạn trở thành con người ngày hôm nay với mục tiêu học tập để đạt được ước mơ của mình. Tất nhiên, khi mô tả về động lực, bạn phải khéo léo lồng ghép được những gạch đầu dòng từ dàn ý ban đầu.
Bước 5 : Viết đoạn kết luận
Tóm lại những ý chính và nhắc nhở rằng mình rất mong được nhận vào học chương trình thạc sỹ của trường/ đạt được học bổng. Thể hiện sự biết ơn về cơ hội được chứng tỏ bản thân qua bức thư này ( trong một số trường hợp, bạn cũng có thể đề nghị 1 buổi phỏng vấn cá nhân để 2 bên hiểu rõ nhau hơn). Bạn cũng có thể đề cập lại một lần nữa một cách ngắn gọn vì sao bạn sẽ là một sinh viên tiềm năng của trường. Cuối cùng, ký và ghi rõ họ tên.
Bước 6 : Nhờ 2-3 người quen sửa lại giúp mình
Bước cuối cùng và cũng quan trọng không kém – sửa SOP. Dù bạn tự tin rằng bài luận của mình đã hoàn hảo, chắc chắn khi bạn đưa nó cho một người khác, họ vẫn có thể chỉ ra vài lỗi (ngữ pháp, hành văn, dùng từ, hay thậm chí là logic) mà bạn không hề nghĩ tới. Hãy chọn những người mà bạn tin tưởng nhất, và sẽ càng tốt hơn nếu họ đã có kinh nghiệm apply và viết SOP trước đây, đưa họ đọc và cho ý kiến.
Bạn không cần phải sửa theo 100% những gì họ nhận xét, nhưng sau mỗi lần review, bạn nên đọc cẩn thận những lỗi họ tìm ra và cân nhắc sửa hay không sửa, hoặc nếu sửa thì sửa thế nào. Nếu đó là những lỗi đánh máy, lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp tiếng Anh – tất nhiên bạn phải sửa. Nhưng nếu đó là những comment về cách hành văn, bố cục bài luận – những đánh giá mà yếu tố chủ quan của người đọc (như background của họ, hoặc phong cách viết họ yêu thích) chiếm phần lớn, thì bạn nên cân nhắc.
C. Một số lưu ý quan trọng khi viết Motivation Letter (SOP) ?
- Nếu không có yêu cầu đặc biệt nào từ ban tuyển sinh thì bạn nên tuân theo định dạng như sau : Font chữ Times New Roman. Kích cỡ chữ 12 point. Canh lề 1 inch cho 4 lề giấy. Cách dòng 1.5.
- Độ dài tốt nhất của bài luận SOP là 1 trang giấy, nhiều lắm là 1 trang rưỡi, không hơn. Ban tuyển sinh thường đọc rất nhiều bài luận trong mỗi đợt duyệt hồ sơ nên SOP của bạn có độ dài vừa đủ thì sẽ tạo ấn tượng tốt hơn.
- Tuyệt đối không nên Copy & Paste các bài mẫu trên mạng. Các bài mẫu đăng trên mạng, thường hội đồng tuyển sinh đã bị đọc đi đọc lại đến thuộc. Vậy nên, việc bạn cũng bê y chang như vậy vào bài của mình là cấm kị hàng đầu.
- Đầu thư, nếu bạn biết tên người nhận, hãy ghi rõ. Nếu không, có thể ghi “Dear Sir or Madam,”
- Kiểm tra lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp ít nhất 3 lần.
- Tránh viết những câu quá dài, sẽ làm cho là thư bị khó đọc. Ngoài ra, hãy dùng những từ ngữ thông dụng, đơn giản thay vì những cụm từ phức tạp hay từ ngữ hoa mỹ.
Vì mục đích của SOP là thuyết phục ban tuyển sinh nhận bạn vào học, một trong những lưu ý cực kỳ quan trọng là bạn phải thể hiện được rằng bạn biết rõ mình muốn gì. Một SOP thành công không thể thiếu nội dung về ước mơ của bạn, điều bạn muốn làm, nghề nghiệp bạn muốn theo đuổi, con người mà bạn muốn trở thành trong 5 – 10 năm tới. Bạn cũng đừng quên nhấn mạnh rằng việc theo học ngành X tại trường Y sẽ giúp bạn biến ước mơ đó thành sự thật như thế nào.
Viết SOP chưa bao giờ là một việc đơn giản, cần bạn đầu tư nhiều tâm sức để có được bài luận ưng ý. Vậy nên, hãy cố gắng dành thời gian, suy nghĩ và có kế hoạch viết nó từ sớm khi bắt đầu có ý định du học nhé.
Để lại thông tin trong Form này để được chia sẻ các bài SOP mẫu hay thuộc đa dạng các ngành nghề nhé.
Chúc các bạn luôn vui và học tốt !