Chia sẻ từ bạn Đặng Nhật Minh du học Sydney
Hi các bạn,
Mình gần đây đọc thấy có khá nhiều bài báo đưa tin du học thiếu thông tin cần thiết và dễ gây hiểu lầm nên mình chỉ muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình để dành cho những ai muốn đi xa thì cần chuẩn bị từ sớm. Thứ quan trọng nhất mà bạn cần chuẩn bị, chính là tài chính, hay nói giản dị hơn là tiền. Không phải nhiều tiền nhưng cũng không ít tí nào.
Đợt trước mình cũng có tranh thủ thời gian rảnh apply học bổng từ các trường. Ví dụ như Cambridge chẳng hạn, chưa cần biết bạn đỗ hay không, ngay từ bước nộp hồ sơ đã phải đóng 100 bảng Anh rồi, tương đương khoảng 3 triệu đồng lúc đó, hơn cả mức lương tháng mà mình nhận được ở cơ quan cũ trong Viện Hàn lâm (lương cơ bản x2.34 tức tầm 2tr5 sau khi trừ đi tiền bảo hiểm và công đoàn phí, bạn nào vào Đảng thì sẽ bị trừ thêm một tí). Các trường ở chỗ khác nhau thì mức phí đóng sẽ khác nhau, có trường miễn phí xét hồ sơ nhưng cũng có trường rất đắt như trên. Nộp nhiều trường thì nghiễm nhiên bạn phải đóng nhiều hơn và mình không nghĩ rằng cuộc đua rải hồ sơ này dành cho học sinh nghèo. Bởi ngoài tiền ra, thì bạn còn phải dành thời gian viết luận và làm hồ sơ thay vì dành thời gian đáng quý đó để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Thứ hai, sẽ chẳng có thư mời nào nếu như bạn không nộp hồ sơ vào trường. Thực tế là đợt mình sang Harvard và MIT gặp rất nhiều anh chị Việt Nam tài năng mà kín tiếng, họ cũng chỉ nộp vào những nơi có khả năng đỗ cao thôi. Và chỉ khi nộp thì nếu qua vòng xét duyệt thì sẽ nhận được thư mời. Đợt đó mình có gặp một thiên tài người Trung Quốc, học xong đại học lúc mới 17 tuổi, nhưng vẫn mất 2 năm để xong thạc sĩ và gần 4 năm để được học vị tiến sĩ (thời gian học cũng như người bình thường bởi với học vị cao thì không đối cháy giai đoạn được). Bạn ý trẻ hơn mình 1 tuổi và có chia sẻ rằng giáo sư ở MIT lúc đó đã biết bạn từ hồi cấp ba rồi, gợi ý bạn ý nộp vào MIT rồi sau đó MIT xét hồ sơ thấy ổn thì mới offer học bổng cho bạn ý chứ không phải tự nhiên siêu giỏi là MIT auto gửi thư. Hoặc ví dụ như ở đại học Monash bên Úc, bạn không tự nhiên apply học bổng tiến sĩ của trường luôn mà phải liên hệ trao đổi với một giáo sư, giáo sư ưng rồi thì mới nói với khoa và khoa gửi thư mời apply học bổng (khác với thư mời nhập học sau này) thì mới bắt đầu bước đầu tiên đăng ký được. Tóm lại, thư mời không tự nhiên từ trên trời rơi xuống.
Thứ ba, tiền học bổng không phải là tiền tiêu vặt. Mỗi năm các trường đều có rất nhiều các suất học bổng từ 5, 10, 15 cho tới 100% học phí. Phần trăm học phí được cover càng cao thì tỉ lệ học bổng loại đó càng ít. Coi như là trong siêu thị có bán quần áo giảm giá 10%, 20% hoặc sale 50% vậy, là một chiến lược vừa marketing tốt lại vừa tuyển được người ưu tú vào trường học, nghiễm nhiên là càng ưu tú thì tỉ lệ học phí không phải đóng sẽ càng cao. Số phần trăm còn lại trong học phí gia đình vẫn phải đóng và còn cả chi phí ăn ở nữa. Ngay cả được khi 100% thì sinh hoạt phí cũng không thể xem nhẹ với những gia đình ít điều kiện. Mỗi nước khác nhau thì tiền học phí khác nhau, như ở Pháp và Đức đa số được miễn phí học phí thì khó có thể so với Mỹ, nơi mà tiền học cao ngất ngưởng. Nên việc quy tiền học bổng ra đơn vị tiền tỷ để so sánh ai hơn ai là không có giá trị thuyết phục. Đạt được học bổng là tốt rồi, giảm gánh nặng cho gia đình là điều nên làm và nếu bạn tự lập được thì là quá hoàn hảo. Vốn dĩ việc đạt được học bổng loại nào không phải là thước đo so sánh giữa các cá nhân với nhau.
Cuối cùng thì ngay cả khi được học bổng rồi, bạn vẫn phải chuẩn bị một số tiền khá lớn. Mình sau khi nhận được học bổng nghiên cứu sinh toàn phần được rất nhiều đãi ngộ mà vẫn phải chuẩn bị hơn 120 triệu đồng đóng bảo hiểm 4 năm, vé máy bay và phụ phí sinh hoạt tháng đầu tiên (mua bảo hiểm du học sinh là bắt buộc để du học). Mình được cái may mắn làm nhiều dự án từ cấp cơ sở tới quốc gia hồi đó nhưng giải ngân nhà nước siêu chậm nên vẫn phải vay nóng từ phụ huynh để đóng. Mà học bổng có rồi trường vẫn yêu cầu ứng viên sang càng sớm càng tốt, giả sử nhà bạn ko có đủ tiền mặt sẵn thì xoay cả trăm triệu kiểu gì trong một hai tuần? Tất nhiên là sau khi sang sẽ được hoàn rồi cuối tháng đầu tiên sẽ được lĩnh stipend, nhưng trường sẽ không trả trước cho bạn khoản phí mấy ngàn đô đó. Điều này cực kỳ dễ hiểu vì lỡ trả tiền cho bạn rồi bạn bùng kèo phút cuối thì sao? Trường sẽ có nguy cơ mất trắng số tiền đã trả cho bạn nên họ đợi khi bạn đã đầu tư chắc chắn sang thì mới bắt đầu từng bước hoàn phí và cấp học bổng. Việc như vậy là vô cùng thực tế vì ứng viên nào cũng có vài ba options để cân nhắc. Bản thân mình cũng có gửi thư từ chối các chỗ khác sau khi chốt được nơi ngon nhất. Và các bạn hoàn toàn có quyền đợi tới khi có nhiều offer để cân nhắc nơi tốt nhất để đi, các giáo sư và trường ai cũng hiểu điều đó cả. Tuy nhiên, cần hạn chế tới phút mốt xong rồi mới hủy vì như vậy để lại ấn tượng không tốt với nơi đã cấp học bổng cho bạn, đặc biệt là từ học bổng giáo sư. Biết là racist ko hợp lý, nhưng nếu có rất nhiều sinh viên VN cứ rải đơn, đỗ rồi liên tục bùng kèo thì giáo sư cũng sẽ có xu hướng xem nhẹ việc xét hồ sơ ứng viên tiếp theo từ VN để tập trung vào các nước khác hơn (thực tế là mình có nghe chia sẻ như vậy từ giáo sư tại Úc và Mỹ). Chưa kể hệ lụy của việc rải là sẽ có tỉ lệ đỗ ảo dẫn tới những hồ sơ yếu hơn một xíu không có cơ hội được cân nhắc. Khi bạn bùng kèo ngay phút chót thì họ cũng không kịp để mà cân nhắc lên do đã phải tính phương án hai từ lúc nhận thông báo trượt rồi.
Ngoài ra còn một chuyện nhỏ nữa mà mình cũng nêu luôn để cho các bạn chú ý. Đợt mình nhận học bổng chuẩn bị đi cũng là lúc covid bùng phát ở khắp nơi (3/2020) nên các quốc gia lần lượt hạn chế đi lại. Cho nên mình chỉ có 1 tuần để xin visa, vé máy bay thì có rồi, ai cũng nói là hồ sơ mình mạnh từ chính phủ Úc nên xin dễ nhưng lúc đó nhà nhà đi làm visa vì sợ covid làm lỡ nên mình cũng lo. Thành ra mình buộc phải ra ngoài nhờ dịch vụ tham khảo từ một số trung tâm tư vấn du học. Chỗ thì phải đóng 10 triệu lệ phí, chỗ phải đóng 5 triệu lệ phí và mình thì không muốn vay thêm từ phụ huynh nên thành ra mình hỏi có cách khác không thì họ gợi ý là mình công nhận họ hỗ trợ giúp mình dành học bổng thì họ sẽ miễn trừ khoản tiền này. Phía Swinburne cực tỉnh, họ rò hồ sơ thì biết mình tự apply từ A-Z từ đầu không có sự tham gia của bên phía trung tâm kia (mình không muốn nhắc tên vì đây là đơn vị cực kỳ lớn về du học Úc) nên Swinburne quyết không chấp nhận đề nghị đó. Điều này khá dễ hiểu vì mỗi khi tuyển được sinh viên cho trường thì các trung tâm sẽ có commision cảm ơn từ trường, chuyện business đó mình không bàn. Nên sau đó mình chốt không theo phương án này mà nhờ một bên trung tâm nhỏ khác, họ đọc hồ sơ của mình thì bảo cái này lẹ lắm hai ngày là được cấp rồi, mình chỉ cần thư giới thiệu từ phía họ thôi. Mình đồng ý trả 2 triệu để họ rà soát giấy tờ, tự mang ra đại sứ quán thì may mắn là sau 15 tiếng có visa bay đi Úc luôn. Sang Úc đúng 3 ngày thì biên giới đóng cửa suốt hơn một năm liền. Mình đi chậm một tí thôi là toi. Chỉ có cái khó chịu ở đây là bằng cách nào đó tên trung tâm kia vẫn được dính vào hồ sơ tiến sĩ của mình, khi mình làm chủ tịch hội sinh viên cao học ở trường đọc danh sách các nghiên cứu sinh và sinh viên thạc sĩ từ khoa mới biết là trung tâm đó được coi là giúp mình giành học bổng ở cột nguồn gốc. Mình vẫn đang trong quá trình viết mail gửi trường để bỏ cái tên nhận vơ kia đi vì họ chẳng giúp cho mình một cái gì cả, kể cả giúp visa đi chăng nữa thì cũng là dịch vụ trả tiền đàng hoàng chứ không phải KPI mà họ tự nhận để lấy thành tích.
Tóm lại, quá trình nào từ hồ sơ, cho tới được học bổng và đi học đều dính tới tiền. Bỏ qua cả việc thuê dịch vụ du học tư vấn và đánh bóng hồ sơ từ sớm thì mình không nghĩ rằng đây là cuộc chơi công bằng cho những bạn có ít tài chính. Bạn không cần phải phải tốn thời gian cày tiền và rải đơn khắp muôn nơi mà chỉ nên tập trung vào vài lựa chọn trong tầm với là được rồi. 200 trường cấp học bổng cho bạn, hay chỉ 2 trường tốt nhất cấp cho bạn thì kết quả chọn vẫn là một thôi mà. Tiền cộng gộp học bổng từ học phí là số tiền bạn không rút ra tiêu xài được nên đừng sân si số đó mà nên xem thực tế mình sẽ cần chi những khoản cần thiết nào để giảm gánh nặng cho gia đình. Đỗ học bổng chỉ là bước khởi đầu, học sao để tốt nghiệp được mới đáng nói và ngay cả tốt nghiệp xuất sắc đi nữa cũng chỉ là một bước khởi đầu tiếp theo thôi, thầy mình vẫn luôn dạy mình như vậy. Mình không hiểu tại sao ở nhà vẫn có một mindset là coi trọng thủ khoa đầu vào hơn thủ khoa đầu ra, và coi trọng học bổng ban đầu hơn là kết quả tốt nghiệp cuối cùng. Cần có cái nhìn thực tế hơn màu hồng được tô đậm bởi các bài báo seeding. Hi vọng là chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho nhiều bạn có cái nhìn thực tế vào cuộc chiến không cân sức này, để có một môi trường apply văn minh và lành mạnh hơn, đủ cơ hội cho tất cả mọi người.
-------------
Ảnh: mình ở Sydney đang nhìn vào những chiếc lồng trên cao. Hi vọng là giấc mơ của các bạn cũng sẽ bay cao và xa như vậy, mỗi bạn một chiếc lồng là đủ rồi, hãy nhường cho các bạn khác để nhiều giấc mơ cũng được vi vu cùng nhau nhé. Để một ngày không xa, sẽ toàn người Việt chu du khắp thế giới và thành công ở mọi lĩnh vực khác nhau.